Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ KHI VIẾT BLOG?

Bạn sẽ học được một điều gì đó mỗi ngày nếu bạn chú ý nó. – Ray LeBlond
Nếu không phải bạn có cả một dự định hoàn hảo để viết blog kiếm tiền thì bạn đã bao giờ nghĩ rằng thói quen viết blog mỗi ngày có ích như thế nào đến kỹ năng sống và làm việc của chính bản thân bạn?

Mình không dám chắc điều này thật sự đúng với phần đông các blogger ở đây nhưng đối với mình, từ những ngày chập chững tập viết blog đến bây giờ là quãng thời gian quý giá nhất của mình trong việc rèn luyện kỹ năng chuyên môn và cả kỹ năng sống.


 Tất cả các lợi ích đó mình không bao giờ hình dung ra được trong lúc lên kế hoạch viết blog, nhưng thực tế là qua thời gian và khi nhìn lại mình tự cảm thấy đã học được rất nhiều điều mà trong quá trình viết blog mình cần sử dụng để đáp ứng các nhu cầu của bài viết hay duy trì thói quen.
Những kỹ năng mà bạn có thể học được nhờ viết blog:


Kỹ năng viết – Đây là điều chắc chắn, viết blog sẽ giúp chúng ta trau dồi kỹ năng sử dụng ngữ pháp và vốn từ.

Hơn cả thế, viết blog cũng sẽ giúp chúng ta truyền đạt những cảm hứng, suy nghĩ thông qua chữ viết một cách chính xác và hoàn hảo nhất.
Đối mặt với thách thức – Trước khi các bạn bấm nút “Publish” một bài viết nào đó, bạn sẽ chuẩn bị tâm lý để lường trước 2 kết quả: Khen ngợi hoặc những ý kiến đóng góp.

Rõ ràng, từ những sai lầm khi viết bài chúng ta sẽ có nhiều cách để hoàn thiện nó hơn. Đó là tạo cho ta một kỹ năng tự sửa chữa những sai lầm của chính mình.
Kỹ năng kinh doanh – Mình không chắc điều này có thể áp dụng với số đông các blogger hiện nay nhưng đối với mình

(và cả những ai đang viết blog kiếm tiền) chắc chắn đã cải thiện ít nhiều về kỹ năng phát triển chiến lược kinh doanh cho bản thân mình.
Cải thiện mối quan hệ – Bản thân khi mình thành lập một cái blog đầu tiên, chưa bao giờ mình nghĩ rằng mình có cơ hội quen biết thêm nhiều người tài giỏi và có kinh nghiệm để học hỏi.
Nhưng sự thật là các mối quan hệ của mình đã cải thiện rõ rệt từ viết blog.
Rút ra kinh nghiệm cho bản thân – Cái bạn nhận được ở đây đó là tinh thần thu nhận sai lầm, các ý kiến tiêu cực của người khác để hoàn thiện blog mình hơn.
Kỹ năng quan sát và nắm bắt thời cơ – Trong cuộc sống bình thường ai cũng có thể một lần vuột mất một cơ hội quý báu.

Nhưng bản thân mình đã cải thiện kỹ năng này một cách tốt hơn nhờ thói quen quan sát các xu hướng đọc bài của độc giả, sau đó là nắm bắt các thời điểm thích hợp để phát triển blog qua bài viết, sự kiện.v.v..
Kỹ năng đọc – Dĩ nhiên rồi, viết blog làm kỹ năng đọc của chúng ta lưu loát và trôi chảy hơn. Đặc biệt đối với những ai đang học ngoại ngữ thì viết blog chính là một con đường tốt nhất để cải thiện ngữ pháp, vốn từ và kỹ năng đọc hiểu.
Kỹ năng giúp đỡ người khác – Khi viết blog (đặc biệt là các blog thiên về hướng dẫn, chia sẻ)

Chúng ta cần thường xuyên giúp đỡ người khác thông qua trả lời những câu hỏi hoặc chia sẻ khi họ có nhu cầu. Dĩ nhiên, quên đi bản tính ích kỹ và nhiệt tình với mọi người không bao giờ thừa thải trong mọi tình huống trong cuộc sống.
Kỹ năng cân bằng – Trong cuộc sống bộn bề có quá nhiều việc cần chúng ta phải làm, một khi thói quen viết blog được hình thành, chúng ta sẽ bắt buộc phải xử lý để cân bằng mọi thứ để có thêm thời gian chăm sóc cho đứa con tinh thần.
Kỹ năng phân tích – Chắc chắn để duy trì blog có thể luôn thu hút người xem thì yêu cầu bạn phải phân tích xem nội dung gì trong blog của mình đang thu hút độc giả, hoặc phân tích các chiến lược phát triển blog.

 Tất nhiên là khi bạn làm những việc này thường xuyên, bạn sẽ vô tình tạo cho bản thân một thói quen phân tích chi tiết những việc đã, đang và sắp sửa làm.

Bạn thấy đó, viết blog không đơn giản chỉ là một thói quen, một sở thích chỉ suy nghĩ rồi viết mà nó còn “kéo” theo nhiều thói quen khác giúp bạn trưởng thành hơn trong cuộc sống và kỹ năng làm việc của mình.

 Đó là những gì mình nhận được từ việc viết blog, còn bạn thì sao? Blog đã mang lại lợi ích gì cho bạn? Mình thật sự muốn nghe những lời chia sẻ về những kỹ năng mà bạn đã nhận được từ nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét